Tuesday, January 21, 2014

Thế giới phản ứng trái chiều về Bitcoin

Hôm qua, Ngân hàng trung ương Phần Lan tuyên bố tiền ảo Bitcoin không đáp ứng được tiêu chuẩn của một tiền tệ, hoặc thậm chí cũng không được dùng để thanh toán điện tử ở đây. Vì vậy, Bitcoin chỉ được coi là hàng hóa.

Trong khi Đức công nhận Bitcoin là tiền tệ thì một số nước như Phần Lan hay Na Uy chỉ coi đây là hàng hóa, thậm chí Trung Quốc và Thái Lan còn cấm.

"Theo định nghĩa về tiền tệ chính thức trong luật pháp Phần Lan, Bitcoin không đủ tiêu chuẩn. Đồng tiền này cũng không phải phương tiện thay toán, do không có đơn vị phát hành chịu trách nhiệm. Tại thời điểm này, nó giống một loại hàng hóa hơn", ông Paeivi Heikkinen – Trưởng bộ phận kiểm soát tại Ngân hàng trung ương Phần Lan cho biết trên Bloomberg.
Bitcoin-7268-1390275500.jpg
Nhiều nước trên thế giới không công nhận Bitcoin là tiền tệ. Ảnh: Bloomberg
Phần Lan là nước mới nhất trên thế giới siết quy định với Bitcoin. Giới chức châu Âu thường xuyên cảnh báo về các rủi ro có thể gặp phải khi dùng loại tiền này thay cho tiền thật. Họ đã thiết kế hàng loạt khung chính sách để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi các khoản lỗ không có khả năng phục hồi.

Trên thế giới, phản ứng của các nước với Bitcoin rất khác nhau. Tháng 8 năm ngoái, Bộ Tài chính Đức đã công nhận Bitcoin có chức năng của tiền. Do đó việc tạo ra Bitcoin sẽ xem như làm ra tiền và phải đóng thuế.

Trong khi đó, cũng như Phần Lan, Na Uy cho biết Bitcoin không đủ tiêu chuẩn làm tiền tệ. Đan Mạch cũng đang tập hợp ý kiến của các nhà làm luật để đề ra chính sách với Bitcoin và các đồng tiền khác.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cấm các tổ chức tín dụng nước này giao dịch, bảo lãnh phát hành hay có cung cấp bảo hiểm bằng Bitcoin. Thêm vào đó, các website giao dịch tại Trung Quốc cũng sẽ phải cung cấp danh tính nhà đầu tư cho giới chức để ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Trước Trung Quốc, Thái Lan đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm lưu hành Bitcoin. Mua bán bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào có trao đổi Bitcoin đều bị coi là phạm pháp. Việc gửi Bitcoin cho bất kỳ ai ngoài Thái Lan hoặc nhận từ các quốc gia khác cũng không được phép.

Còn tại Mỹ, Sở thuế vụ (IRS) vẫn chưa đưa ra hướng dẫn nào về Bitcoin ngoài việc tuyên bố đang bàn bạc về vấn đề này. IRS vẫn giám sát các loại tiền ảo và giao dịch trên Internet từ năm 2007.
Theo Financial Times, Anh hiện đánh thuế 20% lên việc mua bán Bitcoin, do lo ngại nó có thể được dùng để rửa tiền và trốn thuế. Tuy nhiên, hôm qua, nước này lại tuyên bố đang xem xét biện pháp thay thế, do các hãng giao dịch than phiền việc này làm giảm khả năng cạnh tranh của họ. Một số công ty còn cân nhắc chuyển sang nước khác làm ăn.

Ra đời năm 2009, tiền ảo Bitcoin được tạo ra từ các thuật toán, được xử lý bởi hệ thống máy tính ngang hàng của chính người dùng. Quá trình xử lý số liệu được gọi là "mining" và thuật toán được thiết lập để ngày càng khó "đào" được Bitcoin, trong khi đó tổng số đồng được tạo ra tối đa là 21 triệu. Quy tắc này nhằm đảm bảo không ai có thể phát hành ồ ạt, làm giảm giá những đồng tiền đang lưu thông.
Hà Thu(vnexpress.net)

0 comments:

Post a Comment